NHUỘM MAY – GRÜNWALD – GIEMSA

NHUỘM MAY – GRÜNWALD – GIEMSA

NGUYÊN TẮC

Phương pháp nhuộm này áp dụng cho tất cả các phiến đồ tế bào học chọc hút kim nhỏ, tế bào bong và phiến đồ máu. Đây là sự kết hợp giữa hai phương pháp nhuộm Giemsa và May-Grünwald. Hỗn hợp thuốc nhuộm Giemsa và May-Grünwald là sự kết hợp của hỗn hợp có tính acid và kiềm của eosin lẫn xanh metylen. Độ pH là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng phiến đồ, bất kỳ sự thay đổi pH nào đều có thể dẫn đến tính chất bắt màu của các tế bào bị sai lệch, do đó, độ pH thích hợp được khuyến cáo là từ 6,5 – 6,8.

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học: 02

Phương tiện, hóa chất

Cồn metanol 1000.

Xylen.

Nước cất

Dung dịch May-Grünwald.

Phẩm nhuộm Giemsa.

Azur II eosin.

Glycerin

Máy đo độ pH Lá kính.

Chất gắn Permount.

Giá đựng phiến đồ (đứng và nằm ngang).

Phiếu xét nghiệm.

Kính hiển vi quang học.

Nguồn cấp nước chảy.

Găng tay các loại, khẩu trang, áo choàng y tế, kính bảo hộ.

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Pha phẩm nhuộm

Dung dịch May-Grünwald mẹ (giữ được 2 tuần): eosin – xanh metylen 1g

Cồn tuyệt đối (metanol)                                          100ml

Dung dịch khi nhuộm:

May – Grünwald mẹ:                                                40ml

Cồn metanol tuyệt đối:                                            20ml

Dung dịch Giemsa mẹ:

Azur II eosin (ủ 3 giờ ở 37oC với 50ml glycerin):  0,6g

Azur II (ủ 3 giờ ở 37oC với 50ml glycerin):          0,16g

Cồn metanol tuyệt đối

Dung dịch khi nhuộm

Giemsa mẹ:                                                               10ml

Nước cất:                                                                  90ml

Tiến hành nhuộm

Dung dịch May – Grünwald:           5 phút

Nước chảy:                                       1 phút

Dung dịch Giemsa:                         10 -20 phút

(10 phút nếu là Giemsa R, 20 phút nếu là Giemsa L).

Nước chảy:                           1 – 2 phút

Để khô tự nhiên

Không cần gắn lá kính

KẾT QUẢ

Về cơ bản, tính chất bắt màu của các thành phần tế bào như sau:

Các thành phần có tính acid của tế bào bắt màu xanh (xanh metylen).

Các thành phần kiềm của tế bào bắt màu đỏ da cam.

Hồng cầu: màu hồng tím đến trung bình, không có màu xám hoặc màu xanh.

Bạch cầu đa nhân trung tính màu xanh đậm, nhân tím hay đỏ tím hoa cà, bào tương màu hồng nhạt.

Bạch cầu ái toan: màu xanh đến màu xanh đậm với nhân màu tím, bào tương màu xanh.

Bạch cầu ái kiềm: có thể bắt màu tím đến xanh đậm, nhân màu đen.

Lymphô bào và bạch cầu đơn nhân: màu tím đậm, bào tương màu xanh da trời.

Tiểu cầu: màu tím.

Các tế bào biểu mô: nhân màu xanh, bào tương hồng hay phớt hồng.

Các vi khuẩn: màu xanh.

NHỮNG SAI SÓT VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ

Tuân thủ đúng độ pH của phẩm nhuộm từ 6,5 – 6,8. Nếu độ pH kiềm quá hay acid quá đều gây sai lạc tính chất bắt màu của các tế bào. Bởi vậy, cần kiểm tra độ pH trước khi nhuộm. Nếu độ pH thấp, cần điều chỉnh bằng dung dịch đệm có pH 7,2.

Cần tuân thủ thời gian nhuộm, nếu thời gian nhuộm ngắn hoặc quá dài đều ảnh hưởng đến chất lượng chẩn đoán. Nếu sử dụng Giemsa R (nhanh), thời gian nhuộm khoảng 10 phút.

Phiến đồ nếu dàn không đều sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả nhuộm ở những vùng tế bào chồng chất nhau, do vậy, phiến đồ cần dàn mỏng, đều trước khi nhuộm.

Cồn dùng để vệ sinh tay có thể gây tan hồng cầu.

Không để phiến đồ bị khô ở bất kỳ bước nhuộm nào.

Rửa phiến đồ không đúng cách sẽ gây ra các dấu hiệu giả (artifacts), do đó cần rửa phiến đồ dưới vòi nước chảy.

Độ pH của nước rửa có thể ảnh hưởng mạnh tới tính chất bắt màu của các tế bào. Nếu độ pH kiềm quá, sẽ làm tăng màu xanh và nếu độ pH acid, sẽ làm tăng màu hồng đỏ của các tế bào khi nhuộm.

Phẩm nhuộm May-Grünwald – Giemsa rất dễ cháy và độc với da, đường hô hấp, đường tiêu hóa (nếu chẳng may nuốt phải). Bởi vậy, phải đóng kín miệng lọ phẩm nhuộm, tránh xa lửa, không hút thuốc trong khi nhuộm. Khi tiến hành nhuộm, cần có khẩu trang, găng tay bảo hộ. Nếu chẳng may khi tiếp xúc, cảm thấy nguy hiểm cần khám và tư vấn bác sĩ.

Không sử dụng phẩm nhuộm khi đã hết hạn sử dụng, do vậy, cần kiểm tra hạn dùng của phẩm nhuộm trước khi tiến hành nhuộm.

Nguồn: BỘ Y TẾ

Comments are closed.